Dịch thuật công chứng sẽ là nghề kinh doanh có điều kiện

Nhu cầu lớn về chứng thực chữ ký người dịch thời gian qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ người dịch trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch còn đơn giản nên Hà Nội hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý người dịch, đặc biệt là chất lượng bản dịch. Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về công chứng chứng thực trên địa bàn Hà Nội diễn ra ngày 8-4, Hà Nội đã kiến nghị Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cần quy định chặt hơn tiêu chuẩn người dịch công chứng, chứng thực.

Khó kiểm soát chất lượng bản dịch

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch còn đơn giản. Người dịch không bắt buộc phải là cộng tác viên dịch thuật mà chỉ cần là người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch và có bằng cử nhân ngoại ngữ. Điều này tuy tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn người dịch song chất lượng của bản dịch cũng như lợi ích của người yêu cầu dịch thuật không được đảm bảo.

Trong khi đó khoản 2, Điều 18, Nghị định 79/2007/NĐ-CP dù đã quy định người dịch phải cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch nhưng lại chưa có chế tài ràng buộc. Cộng thêm việc chứng thực chữ ký người dịch của cán bộ chứng thực mới dừng lại ở khái niệm đơn thuần là chỉ chứng thực chữ ký người dịch đã dẫn đến chất lượng bản dịch còn nhiều bất cập. Tình trạng dịch sai, nhầm lẫn, không thống nhất, không đầy đủ, không chính xác, sai về ngữ pháp vẫn xảy ra khá nhiều trong các bản dịch. Thậm chí có trường hợp nội dung bản dịch trái với bản gốc như dịch từ học lực trung bình sang học lực khá trong các giấy tờ liên quan đến học tập… Hoặc người dịch khi dịch do không đối chiếu với bản gốc nên dịch cả những bằng cấp giả mạo, dịch những giấy tờ không đúng với quy định của pháp luật.

Thực tế, cán bộ phòng Tư pháp không phải ai cũng thông thạo ngoại ngữ để có thể kiểm tra chất lượng tất cả bản dịch, đảm bảo nội dung bản dịch là hoàn toàn chính xác mặc dù họ chỉ chịu trách nhiệm chứng thực chữ ký của người dịch. Những bất cập kể trên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của người yêu cầu dịch thuật mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ quan Nhà nước liên quan, trong đó có hệ thống cơ quan ngoại giao, lãnh sự, xuất nhập cảnh khi tiếp nhận, xử lý bản dịch theo chức năng, nhiệm vụ và không ít lần các cơ quan này đã có ý kiến phản hồi về chất lượng bản dịch .

Cần kiểm tra trình độ người dịch?

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý đối với cộng tác viên cũng như các doanh nghiệp dịch thuật nhưng với số lượng hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động về lĩnh vực dịch thuật trên địa bàn thì việc quản lý các doanh nghiệp này là không đơn giản. Hiện thủ tục cấp phép cho một doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh là dịch thuật khá dễ dàng do dịch thuật không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chủ doanh nghiệp không cần có chứng chỉ hành nghề. Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng chỉ có chức năng xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện còn việc quản lý hoạt động của các đơn vị này thì do các cơ quan chuyên môn khác chịu trách nhiệm. Do vậy, hiện nay đang tồn tại thực trạng là người dịch và công ty dịch thuật không có ai quản lý, hoạt động chủ yếu trên sự thỏa thuận với người có nhu cầu dịch thuật. Thù lao dịch thuật cũng tùy theo sự thỏa thuận của người dịch và người có nhu cầu dịch thuật nên không tránh khỏi việc người có nhu cầu dịch thuật có thể phải trả khoản phí dịch thuật cao hơn mặt bằng chung.

Khắc phục tình trạng kể trên, Hà Nội đề xuất, việc sửa đổi Luật Công chứng cần có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch; trách nhiệm của tổ chức hành nghề dịch thuật, người dịch thuật. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình, “cán bộ Tư pháp rất khó khăn trong việc kiểm tra tiêu chuẩn người dịch do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Việc kiểm tra khả năng “thông thạo tiếng nước ngoài” của người dịch hiện chỉ được xem xét căn cứ trên bằng cử nhân ngoại ngữ của họ. Trong khi nhiều trường hợp người dịch chỉ có các chứng chỉ ngoại ngữ như TOEFL, IELTS. Do đó, dù thực tế đây là những chứng chỉ quốc tế có giá trị, có độ tin cậy cao chứng minh được khả năng “đọc thông viết thạo” của người dịch, cán bộ Tư pháp vẫn phải từ chối việc chứng thực”. Việc có một Hội đồng kiểm tra trình độ dịch thuật (do Bộ Tư pháp thành lập) để kiểm tra trình độ dịch thuật người dịch vì vậy hết sức cần thiết. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách, thông báo công khai cho các cơ quan, tổ chức và người dân biết. Bên cạnh việc kiểm tra trình độ người dịch, nhiều ý kiến cũng đề nghị Luật Công chứng sửa đổi cần quy định cụ thể, rõ ràng về những loại văn bản, giấy tờ nào không được dịch và không được chứng thực chữ ký người dịch; quy định rõ thẩm quyền và trình tự thủ tục thu hồi, hủy bỏ các bản dịch đã được chứng thực chữ ký người dịch nhưng phát hiện có sai sót về nội dung dịch thuật hoặc các bản dịch có bản gốc là các giấy tờ giả mạo mà người dịch và người chứng thực chữ ký không phát hiện ra.

 

Đang xử lý...

Góp ý
hotline0912146970